Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục chính là một tác phẩm của danh sĩ Nguyễn Dữ với nét đặc trưng là pha trộn giữa hiện thực và hoang đường để tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt cho mỗi câu chuyện trong tác phẩm. Phía sau mỗi câu chuyện đều có một lời bình về phẩm chất đạo đức của nhân vật.
Truyền kỳ mạn lục – Tác phẩm của danh sĩ Nguyễn Dữ
Trước tiên thì ta sẽ tìm hiểu đôi nét về danh sĩ Nguyễn Dữ. Nguyễn Dữ hay còn gọi là Nguyễn Dư, ông là một nhà thơ sống trong thế kỷ XVI và ông là con cả của tiến sĩ Nguyễn Đình Phiêu ở Thanh Miện, Hải Dương. Sau khi đỗ kỳ thi Hương cống thì ông ra làm quan được 1 năm rồi xin về quê để phụng dưỡng mẹ già, đọc sách làm thơ.
Ông để lại một số ít thơ và trong đó có cuốn Truyền kỳ mạn lục. Dù chỉ có 1 tác phẩm này thế nhưng đây lại là tác phẩm được coi là thiên cổ kỳ bút của Việt Nam ta, khẳng định rõ nét tài năng của ông.
Một tác phẩm phản ánh hiện thực tàn khốc
Lúc tác phẩm ra đời Truyền kỳ mạn lục chính là lúc chế độ phong kiến Việt Nam trở nên ngày càng suy đồi và mục nát, quan liêu thì tàn bạo ra sức bóc lột người dân. Còn phía người dân thì lại tin vào tâm linh, vào ma quỷ, thần linh. Chính bởi điều này đã là tiền đề để Nguyễn Dữ sáng tác ra tác phẩm này với mục đích răn dạy hậu thế của mình.
Cốt truyện chủ yếu được Nguyễn Dữ sáng tạo ra dựa trên những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết của dân gian và cả những tình tiết của văn học nước ngoài. Hai mươi truyện được chia làm 4 quyển tương ứng với các sự việc diễn ra của thời Lý, Trần, Hồ, thuộc Minh, Lê Sơ.
Mặc dù cốt truyện được lấy từ những điều phi lý thế nhưng lại có sự đan xen với hiện thực thế nên kết cấu của tác phẩm không hề trùng lặp mà lại còn phức tạp, phong phú hơn. Bằng hệ thống nhân vật kết hợp với những bối cảnh kỳ lạ khác nhau đã phản ánh đầy đủ được một cách chân thực nhất về xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
Sơ lược vài nét về tác phẩm Truyền kỳ mạn lục
Đây là một tác phẩm được coi là thiên cổ kỳ bút của nền văn học nước nhà, như vậy ta sẽ cùng tìm hiểu về tác phẩm này cũng như hiểu được lý do tại sao tác phẩm này được đánh giá cao như vậy.
Hoàn cảnh ra đời
Cuối thế kỉ XV đầu thế kỷ XVI thì chế độ phong kiến nhìn chung cũng đang trên đà của sự phát triển. Thế nhưng cũng xuất hiện những sự giảm sút so với trước đó, dần dần có dấu hiệu suy thoái.
Trong hệ thống chính trị đã không còn những vị vua hiền, giỏi giang nữa. Có thể kể đến như triều nhà Lê có nhiều vua nổi tiếng là tàn bạo, xa hoa, đồi bại như Lê Uy Mục, Lê Tương Dực.
Những tên bạo chúa này đã tạo ra vô số thống khổ cho nhân dân. Còn bên ngoài xã hội thì trật tự không được duy trì tạo điều kiện cho những kẻ cường hào ác bá, không những thế tình trạng đạo đức lại ngày càng suy đồi đi. Là một nhà trí thức sống trong thời đại, trong bối cảnh xã hội như vậy thì Nguyễn Dữ đã không thể im lặng và dùng tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của mình thay cho tiếng nói.
Về bố cục
Đây là tác phẩm bao gồm 20 truyện ngắn, những câu chuyện đều được viết bằng chữ Hán và luôn có sự pha lẫn, đan xen giữa yếu tố hiện thực và yếu tố hoang đường. Đây cũng là nét đặc biệt của những câu chuyện này.
Phía sau mỗi truyện ngắn thì đều có một lời bình ngắn ở phía sau (cho đến nay vẫn chưa biết là của ai) đề cập đến những phẩm chất đạo đức của tuyến nhân vật trong tác phẩm.
Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục là một tiếng nói cho nỗi lòng của Nguyễn Dữ. Tiếng nói này là tiếng nói phản kháng với hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Nguyễn Dữ không thể trực tiếp giãi bày mà phải mượn những câu chuyện để nói thay mình. Mượn chuyện thần linh, ma quỷ để nói chuyện người, mượn chuyện cõi âm để nói chuyện cõi dương.
Tư tưởng được truyền tải trong Truyền kỳ mạn lục
Tác phẩm này nổi bật nhất về 3 vấn đề tư tưởng.
- Thứ nhất: Là tư tưởng tố cáo, phê phán giai cấp thống trị thời bấy giờ. Bằng chính ngòi bút sắc sảo, thái độ căm phẫn mãnh liệt và sự thông minh thì Nguyễn Dữ đã vạch trần toàn bộ bản chất tàn bạo, tham lam của những tên quan liêu, cường hào. Tác giả đã đứng về phía nhân dân để nói ra tiếng nói phản kháng quyết liệt thay cho họ
- Thứ hai: Tác phẩm đã cho thấy ý thức xây dựng và bảo vệ gia đình cũng như là tình cảm lứa đôi. Ở điểm này, Nguyễn Dữ thường ca ngợi sự thủy chung trong tình cảm vợ chồng, đồng cảm với những nỗi uất ức ở người phụ nữ và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp ở họ.
- Thứ ba: Ngoài tiếng nói hiện thực, ngợi ca tình cảm gia đình ra thì Nguyễn Dữ đã bộc lộ rõ những nỗi niềm thầm lặng sâu kín của chính bản thân trước thời thế. Là một nho sĩ cực kỳ tài giỏi nhưng lại luôn phải nhìn thấy sự đổi thay của nhân thế mỗi ngày. Với sự mong mỏi bảo vệ cũng như xây dựng lại những giá trị cao đẹp ấy thì tác giả cũng đã thể hiện rõ thái độ đấu tranh quyết liệt.
Ngoài ba tư tưởng trên thì tác phẩm Truyền kỳ mạn lục còn có rất nhiều những vấn đề khác để biến tác phẩm trở thành một báu vật văn học. Bao trùm lên tất cả vấn đề đó chính là một ước mơ về xã hội công bằng, hạnh phúc của nhà văn cũng như của nhân dân thời bấy giờ.
Nghệ thuật có trong Truyền kỳ mạn lục
Ngoài sự thành công từ những tư tưởng cao đẹp được truyền tải trong tác phẩm thì nghệ thuật viết cũng như sáng tạo của Nguyễn Dữ là không thể không kể tới. Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục được viết dựa trên sự sáng tạo từ những cốt truyện đã có sẵn từ dân gian lâu đời.
Nguyễn Dữ đã sưu tầm lại và chau chuốt thêm cho những câu chuyện còn thô sơ ấy trở thành những viên ngọc quý. Đồng thời nghệ thuật kể chuyện, kết cấu cũng như dẫn dắt tình huống đi cùng với khả năng xây dựng nhân vật là những thành công dễ thấy nhất. Những nghệ thuật đặc biệt ấy đã tạo ra một tác phẩm được coi là báu vật, là thiên cổ kỳ bút của nền văn học.
Những đánh giá về Truyền kỳ mạn lục của độc giả
Theo ý kiến của GS. Bùi Duy Tân thì: “Truyền kỳ mạn lục là tập truyện có nhiều thành tựu nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dựng chuyện, dựng nhân vật. Nó vượt xa những truyện ký trong lịch sử vốn ít chú trọng đến tính cách cũng như đời tư riêng của nhân vật, và cũng vượt xa truyện cổ dân gian thường ít đi sâu vào nội tâm nhân vật.”
Theo PGS. Tạ Ngọc Liễn thì đúc kết lại về Truyền kỳ mạn lục như sau: “Trong 20 truyện, truyện nào cũng thể hiện được một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức của Nguyễn Dữ. Đó là những ước muốn của Nguyễn Dữ về một xã hội mọi người được sống yên trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương nhân ái…Giá trị của tác phẩm này chính là ở những giá trị nhân văn đó”
Đối với những độc giả là những giáo sư, những nhà văn học, những người am hiểu về tác phẩm văn học thì họ đều cho rằng tác phẩm ấy chính là một thiên cổ kỳ bút. Còn hiện nay đối với độc giả trẻ thì tác phẩm luôn mang đến những làn gió mới về tư tưởng. Nhìn thấy được hiện thực lúc bấy giờ, thời kỳ mà tác giả đang sinh sống.
Những nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục
Khả năng đặc biệt của Nguyễn Dữ đó chính là khả năng sáng tạo ra một tuyến nhân vật cực kỳ lôi cuốn rồi đưa họ vào những tình huống, những cuộc gặp gỡ duyên phận. Rồi sẽ tiếp diễn những câu chuyện kỳ ảo về sau.
Sự biến hóa với nhiều kiểu nhân vật kỳ ảo trong tác phẩm
Bên cạnh việc thể hiện đời sống có phần hư ảo, tâm linh với những hiện tượng siêu nhiên thì các các yếu tố này còn có thể phản ánh được hiện thực của xã hội đương thời. Để thoát ra khỏi thực tại thì Nguyễn Dữ đã dùng nhiều phương thức để giúp con người có niềm tin và lạc quan hơn, hy vọng về sự thoát ly khỏi thế giới thực tại.
Nhân vật có thể đi từ thực sang hư trong Truyền kỳ mạn lục
Những nhân vật trong bộ Truyền kỳ mạn lục thường có khả năng di chuyển từ cõi trần thế sang những cõi hư ảo khác. Như Từ Thức trong “Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên” thì nhân vật có thể đi sang chốn tiên cảnh bồng lai. Thể hiện rằng tuy Nguyễn Dữ là một nhà nho nhưng lại muốn bỏ chốn quan trường để trở về thôn quê tươi đẹp như tiên cảnh.
Hay trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, “Chuyện đối tụng ở Long cung” là những câu chuyện mà nhân vật có thể đi sang những cõi khác nhau không bị ràng buộc. Nhân vật được đi đến những nơi mà thời gian không bị ràng buộc. Thể hiện phần nào về nguyện vọng với vật chất và tinh thần của con người mà thực tại không thể đáp ứng.
Hoặc nhân vật còn có thể đi vào cõi âm ma mị như Tử Văn trong “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên” hay viên quan họ Hoàng của “Chuyện yêu quái ở Xương Giang” bị một hồn ma khởi kiện dưới âm phủ và bị bắt xuống dưới để xét xử.
Sự gặp gỡ đặc biệt với những nhân vật hư ảo
Trong tác phẩm thì những sự gặp gỡ này chiếm rất đông đảo. Những nhân vật của tác phẩm được gặp những thứ tâm linh, những nhân vật hư cấu như hồn của người đã chết.
Những nhân vật này đa số sẽ được gọi là “hồn ma” sau khi chết sẽ trở về cõi trần để thực hiện một điều gì đó còn dang dở hoặc xảy đến những câu chuyện tình giữa người và ma. Điều này cũng tạo thêm màu sắc cho tác phẩm nữa.
Một số tác phẩm tương đồng với Truyền kỳ mạn lục
Có thể thấy, tại Việt Nam truyện truyền kì khá gần gũi với nhân dân, cũng vì thế những tác phẩm truyện truyền kì ra đời luôn được đông đảo nhà văn quan tâm và đón nhận. Do những yếu tố đó, mà ta có thể dễ dàng tìm những mẫu truyện truyền kì khác trong hệ thống văn học Việt Nam.
Ở thể loại truyền kì thì Việt Nam ta cũng có vô số những tác phẩm như: Thánh Tông di cảo; Truyền kì tân phả(Đoàn Thị Điểm); Viết điện u linh tập; Lĩnh Nam chích quái lục; Tản Viên sơn truyện; Tang thương ngẫu lục;… Ngoài ra còn có một số tác phẩm dạng truyền kỳ của thời Đường như Chẩm trung ký; Nam Kha Thái Thú truyện;…
Kết luận
Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục là một tác phẩm đánh dấu sự phát triển của thể loại truyền kỳ của văn học Việt Nam cuối thế kỉ XV đầu thế kỷ XVI. Với khả năng tài tình trong việc xây dựng nhân vật cũng như nghệ thuật tạo tình huống thì Nguyễn Dữ đã làm cho tác phẩm này trở thành một áng Thiên cổ kỳ bút của nền văn học Việt Nam.